Trường Anh ngữ HELP vốn nổi tiếng về bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy và là trường Anh ngữ lâu đời nhất trong số các trường ở Philippines. Để biết rõ hơn về chất lượng dạy học của campus HELP tại Clark, Phil English đã có buổi phỏng vấn với thầy Patrick – Head Teacher tại đây. Các bạn hãy theo dõi bài phỏng vấn để có câu trả lời cho riêng mình về chất lượng đào tạo của trường nhé.
Phil English: Chào thầy, rất vui vì thầy đã nhận lời phỏng vấn với Phil English, thầy có thể giới thiệu cho các bạn học viên Việt Nam về bản thân mình được không ạ?
Mr. Patrick: Tôi cảm thấy rất vui và hân hạnh vì được Phil English mời phỏng vấn hôm nay. Chào mừng bạn đến HELP Clark, tôi là Patrick – hiện là Head teacher ở đây. Tôi chịu trách nhiệm quản lý các chương trình học và cả các giáo viên đang giảng dạy tại HELP. Một trong số các lớp mà tôi đang đảm nhận có cả các bạn học viên Việt Nam đó.
Phil English: Ồ! Làm sao thầy có thể đảm nhận 2 vị trí với nhiều công việc như vậy được?
Mr. Patrick: Thực ra, tôi có vài người trợ lý giúp tôi làm công việc văn phòng.
Phil English: Tính đến thời điểm hiện tại thì thầy đã làm việc tại trường HELP được bao lâu rồi ạ?
Mr. Patrick: Tính đến nay, tôi đã làm việc tại trường Anh ngữ HELP với vai trò giáo viên được hơn 10 năm rồi.
Phil English: Thầy cảm nhận như thế nào về môi trường học tập tại HELP?
Mr. Patrick: HELP Clark là nơi đã cho tôi nhiều trải nghiệm trong sự nghiệp giảng dạy của mình. Tất nhiên, ở đây tôi đã có thể nâng cao khả năng cũng như kĩ năng chuyên môn trong vai trò giáo viên cũng như một người quản lý. Bên cạnh đó, tôi còn được tiếp xúc và hiểu thêm nhiều nền văn hoá khác từ những học viên tôi đã dạy như: Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Bạn biết đấy, mỗi học viên có một câu chuyện riêng, họ giống như một cuốn sách vậy, tôi có thể học hỏi rất nhiều từ họ.
Nhân viên của Phil English đang có buổi nói chuyện với thầy Patrick
Phil English: Thầy có thể cho các bạn học viên biết khóa học nổi bật ở HELP là gì không ạ và điểm mạnh của trường là gì?
Mr. Patrick: Tôi có thể tự tin nói rằng điểm chính và cũng là thế mạnh của HELP là hệ thống giám sát học viên. Chúng tôi không chỉ đem lại chương học tốt nhất có thể cho học viên mà còn phối hợp để cố vấn cho học viên những điều cần thiết trong chương trình học của họ. Đặc biệt là đối với các học viên Junior - học viên nhỏ tuổi. Chúng tôi sẽ có bảng ghi nhận kết quả học tập và gửi những đến phụ huynh để họ có thể theo dõi tình hình học tập của con mình. Đội ngũ giáo viên tại HELP luôn kiểm tra, xem lại giáo trình, chương trình học của học viên. Điều thứ hai mà tôi muốn đề cập chính là sự linh hoạt. Chúng tôi có thể thay đổi chương trình giảng dạy theo nhu cầu và mong muốn của mỗi học viên. Đó là điểm mạnh của HELP.
Phil English: Thầy có thể chia sẻ những điểm khiến HELP thực sự khác biệt so với các trường Anh ngữ khác được không ạ?
Mr. Partrick: Bạn biết đấy, HELP Clark là trường Anh ngữ lâu đời và là trường đầu tiên áp dụng mô hình Sparta vào giảng dạy. Vì vậy, chúng tôi rất nghiêm khắc, áp dụng kỉ luật nghiêm nghặt với học viên. HELP có chương trình học được thiết kế cố định nhưng bên cạnh đó có những khoá học linh hoạt. Chúng tôi lấy học viên làm trung tâm nên giáo viên trong quá trình giảng dạy phải cân nhắc xem chương trình học có phù hợp với học viên hay là không? Tốc độ học hay bài học có quá nhiều và gây sức ép cho học viên hay không?
Khi thấy những dấu hiệu mệt mỏi hoặc kết quả học tập không được cải thiện thì chúng tôi buộc phải thay đổi giáo trình để học viên cảm thấy thoải mái, phù hợp phong cách học tập của họ và họ có thể tiếp thu bài học một cách nhanh nhất.
Phil English: Vậy là hệ thống quản lý là điều thầy tự hào nhất về HELP đúng không ạ?
Mr. Patrick: Đúng vậy
Phil English: Thầy có chia sẻ thầy đang vừa làm công tác quản lý vừa chịu trách nhiệm giảng dạy. Thầy có phương pháp giảng dạy nào đặc biệt không ạ?
Mr. Patrick: Nó cũng không hẳn quá đặc biệt đâu. Cá nhân tôi thì tôi luôn lấy học viên làm trung tâm và giáo trình tôi gửi đến học viên phụ thuộc vào nhu cầu của học viên, điều họ muốn và cần. Đồng thời, tôi sẽ luôn kiểm tra tiến độ học và chương trình học của học viên để đảm bảo rằng họ không lãng phí bất kì phút giây nào tại HELP.
Phil English: Học viên sẽ đưa ra những phản hồi về phương pháp dạy của thầy và đồng thời thầy kiểm tra và điều chỉnh chương trình học?
Mr. Patrick: Đúng vậy. Đôi khi vì tôi quá đam mê việc dạy học nên tôi cố gắng truyền tải kiến thức nhiều nhất có thể đến học viên. Điều đó khiến học viên cảm thấy áp lực và căng thẳng để tiếp thu toàn bộ bài học. Những lúc ấy tôi phải động viên học viên của mình khá nhiều để họ tiếp tục và đưa ra lời khuyên, hướng họ về điểm số mục tiêu.
Phil English: Đúng vậy. Chương trình học theo mô hình Sparta, học viên đăng ký mô hình này dễ cảm thấy quá tải vì phải học trong 8 giờ đến 10 giờ mỗi ngày.
Mr. Patrick: Ở Baguio, chúng tôi thực hiện chương trình Sparta nghiêm khắc. Nhưng nếu bạn học ở Clark thì có chút khác biệt. Chúng tôi thường có những buổi trò chuyện giữa giáo viên và học viên để trao đổi góc nhìn, quan điểm với nhau. Chương trình học không chỉ là những điều giáo viên muốn truyền tải mà còn là những điều học viên cảm thấy quan trọng, cần thiết với họ. Thời gian học cần được tối đa hoá. Vậy nên, khi giảng dạy, giáo viên thường hỏi học viên muốn học gì và chúng tôi sẽ điều chỉnh, thiết kế chương trình theo điều học viên muốn.
Phil English: Điều này thật tuyệt. Tôi biết một số trường chỉ đưa học viên chương trình học và thúc giục học viên học chăm chỉ. Điều này không giúp học viên tiến bộ mà còn làm học viên nản chí trong quá trình học tập, từ đó kết quả học tập đi xuống.
Mr. Patrick: Quả là như vậy. Tôi có đọc được một nghiên cứu cho thấy nếu học viên không kết nối được với giáo viên của họ và chương trình học thì kết quả thu được sẽ không như ý muốn. Học tập là một trải nghiệm, nếu học viên không muốn trải nghiệm điều đó thì bản thân họ sẽ có cơ chế làm ngược lại những gì mục tiêu mà họ đã đề ra.
Phil English: Đối với học viên chưa có bất cứ khái niệm nào về tiếng Anh nhưng muốn du học tiếng Anh ở Philippines thì theo thầy họ có thể đến Philippines học, hoà nhập trong một môi trường chỉ nói tiếng Anh không?
Mr. Patrick: Đây là một câu hỏi rất hay đấy! Thật trùng hợp làm sao! Tôi đang dạy một học viên như vậy. Anh ấy hoàn toàn không biết một từ tiếng Anh nào. Có thể bạn biết anh ấy đấy vì anh ấy là huấn luyện viên thủ môn cho đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Tôi thường dạy những học viên trình độ cao nên lúc đầu tôi cũng khá băn khoăn về trường hợp này. Nhưng tôi nghĩ mình phải tìm cách kết nối để hai thầy trò hiểu nhau như những người bạn thì bài học sẽ dễ tiếp thu hơn. Tôi là thầy giáo lớp Speaking của anh ấy. Khác với các lớp Speaking thông thường, tôi không dạy cấu trúc câu, các dạng của từ vì anh ấy không biết tiếng Anh nên buổi học đầu tiên tôi đã phải nói chậm và sử dụng hình ảnh để dạy những từ cơ bản. Sau đó dùng những từ cơ bản miêu tả lại những gì trong tranh.
Buổi đầu tiên, học viên của tôi chỉ có thể miêu tả những từ cơ bản như: man, boy, play. Tôi phải viết những từ mới, nối chúng thành một câu hoàn chỉnh để nói lên ý tưởng của anh ấy. Đặc biệt, đối với học viên Việt Nam, các bạn hay mắc lỗi ở phần phát âm. Chính vì vậy, tôi đã cho học viên của mình luyện phát âm trước. Tôi dành 5 phút đầu của buổi học để luyện những âm cơ bản cho học viên.
Đó cũng là phương pháp mà các giáo viên ở HELP đã dạy cho những học viên có trình độ cơ bản. Luyện pháp âm, sau đó đến miêu tả tranh ảnh. Bởi học ngôn ngữ cũng giống như những đứa trẻ tập nói, khi bạn dùng hình ảnh thì chúng sẽ dễ dàng nắm được ý nghĩa một cách trực quan, sinh động, từ đó nhớ từ hơn.
Phil English: Với những học viên từ trình độ cơ bản như vậy thì mất bao lâu họ có thể đạt được trình độ IELTS 6.0 ạ?
Mr. Patrick: Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào học viên. Nếu học viên là một người tiếp thu nhanh, chăm chỉ thì chỉ mất 3 tháng thôi. Nếu tốc độ học của họ chậm thì khó có thể xác định được thời gian cụ thể cho cộc mốc IELTS 6.0. Trước đây, tôi có một học viên từ trình độ tiếng Anh thấp và có mục tiêu IELTS 6.0. Cậu ấy đã ở HELP 6 tháng và sau đó đạt được điểm số mong muốn. Tôi đã định hướng cho cậu ấy 3 tháng học ESL và 3 tháng tiếp theo là IELTS. Với một người từ trình độ thấp thì phải học ít nhất 3 tháng ESL rồi bạn mới nên chuyển lên học IELTS.
Phil English: Thầy cho phép Phil English được hỏi thêm câu cuối nhé. Theo kinh nghiệm giảng dạy lâu năm thì thầy thấy học viên Việt Nam hay mắc lỗi nào nhất khi học tiếng Anh ạ? Làm sao để họ có thể khắc phục lỗi này?
Mr. Patrick: Lỗi sai mà các bạn học viên hay mắc phải đó chính là phát âm. Nhất là những âm như “s”, “t”, “th”.
Đối với học viên của tôi, tôi thường ghi âm giọng nói của họ. Cho họ nghe lại để nhận ra sự khác biệt so với âm chuẩn của người bản xứ. Bạn hãy đọc thật to và rõ ràng từng âm, nhớ là phải ghi âm giọng của mình và sau đó nghe lại để thấy sự thay đổi từng ngày. Hãy kiên nhẫn với quá trình này và lặp đi lặp lại. Dần dần, bạn sẽ thấy phát âm của mình tiến bộ một cách rõ rệt.
Cảm ơn thầy đã dành thời gian quý báu của mình cho buổi trò chuyện này, những thông tin thầy chia sẻ sẽ giúp học viên Việt Nam biết thêm về trường Anh ngữ HELP. Chúc thầy sức khoẻ thành công hơn nữa trong sự nghiệp giảng dạy của mình.
Xem thêm chi tiết về trường: http://philenglish.vn/khu-vuc-va-truong/angeles-clark/help-clark/
Theo nguồn: Phil English