Trước khi làm hài lòng các học viên, phải làm hài lòng các giáo viên.
Xin chào, tôi là Cẩm Nhung đến từ Phil English. Vừa qua, ngày 8/7/2016, Phil English đã có chuyến tham quan tới “người hàng xóm” của mình – trường Anh ngữ CIP (Clark Institute of the Philippines). Gọi là người hàng xóm vì lẽ, đối với các khách hàng thân thuộc của Phil English chắc đều biết Phil English có văn phòng hỗ trợ cho các học viên ngay tại Clark, và các bạn học viên là khách hàng của Phil English chắc cũng không còn lạ lẫm gì với hình ảnh tối tối các nhân viên của Phil English sang trường CIP để học thêm tiếng Anh. Bản thân tôi hàng tối cũng có một tiết học tại CIP.
Đến đây, chắc nhiều người sẽ nghi ngờ về chất lượng giảng dạy của CIP, vì lý do có quan hệ mật thiết với Phil English. Nhưng không đâu, bản thân các nhân viên khi đi học tại CIP, cũng giống như các bạn học viên, nếu không hiệu quả, thì chắc chắn họ sẽ không giới thiệu. Tôi cũng rất khắt khe trong chuyện học hành, phải có hiệu quả thì mới học, không thì sẽ rất lãng phí thời gian. Vì vậy, đừng vội lo lắng, quy chụp cho CIP nhé. Hãy cùng Phil English tìm hiểu xem tại sao đến cả nhân viên của Phil English cũng lựa chọn CIP làm nơi học tập của mình.
Nhắc đến CIP, có lẽ ai ai cũng sẽ nghĩ ngay đến một điều mà “biết rồi nói mãi”, đó là số lượng giáo viên bản ngữ tại trường. Trong chuỗi tham quan tại Clark này, trước đó Phil English đã có chuyến tham quan tới trường AELC, cũng được biết đến với số lượng giáo viên bản ngữ nổi trội, với 9 giáo viên bản ngữ (thông thường các trường Anh ngữ khác chỉ có 1~3 giáo viên bản ngữ), nhưng số lượng giáo viên bản ngữ hiện nay ở CIP là 14 người. Với lợi thế đó, các khoá học CIP luôn được giảng dạy bởi giáo viên bản ngữ ở các lớp Man to Man và lớp nhóm, tuỳ từng khoá học mà khác nhau.
Tuy nhiên, không vì thế mà CIP coi nhẹ chất lượng của các giáo viên Filipino. Trường có các chính sách để luôn bồi dưỡng trình độ của các giáo viên. Để biết rõ hơn về ngôi trường này, hãy cùng với Phil English đi tham quan trường qua bài viết dưới đây nhé.
Về cơ sở vật chất và môi trường sống xung quanh
Trường CIP nằm trong khu vực thành phố Clark – thành phố cách Manila khoảng 2h đi xe ô tô, vì vậy phố xa ở đây cũng không đông đúc, ồn ào như ở Manila. Người dân nơi đây cũng thân thiện, cởi mở hơn so với các khu vực khác. Trị an ở thành phố này được đánh giá khá tốt ở Philippines.
Đường vào trường sạch sẽ, rộng rãi. Quanh khu vực trường là khu dân cư nhưng không gian yên tĩnh, gần đó là khu vực dân cư Camelville – là khu vực dân trí cao, chủ yếu dành cho những người Philippines có tiền và người nước ngoài ở nên mức độ an toàn, dân trí cao.
Khu vực gần trường có siêu thị Nepo, cách trường 5 phút đi xe Tricycle hoặc xe Jeepnee. Tiện luôn, ở khu vực này, phương tiện đi lại phổ biến là xe Tricycle hoặc xe Jeepnee. Xe Tricycle giống như “xe ôm” ở Việt Nam mình, giá cả sẽ tuỳ theo địa điểm đến mà khác nhau; còn xe Jeepnee như kiểu “xe lam” hồi xưa ở Việt Nam, giá chỉ có 7 Peso/ lượt, nhưng đi xe Jeepnee thì phải rõ đường, rõ tuyến xe chạy qua mới có thể đi được hoặc có thể hỏi người dân địa phương ở đây.
Ngoài ra, trong khu vực này cũng có siêu thị SM, Balibago cách trường khoảng 15 ~20 phút đi xe Tricycle (giá khoảng 150 Peso), và khu vực Korean Town - tập trung các nhà hàng ăn uống của Hàn Quốc, cách trường khoảng 10 phút đi xe, giá tầm 100 Peso. Cuối tuần, học viên có thể bắt xe ra các khu vực đó ăn uống, đi mát xa...
Cũng giống như bất kỳ trường Anh ngữ nào khác, tại cổng trường luôn có bảo vệ an ninh làm việc 24/7, bất kỳ ai ra vào trường đều phải xuất trình giấy tờ, kể cả học viên. Đặc biệt, khi các học viên ra ngoài phải gửi thẻ học viên và chìa khoá phòng ký túc xá tại văn phòng bảo vệ, để trường kiểm soát được sự ra vào của học viên và tránh trường hợp học viên làm mất chìa khoá phòng.
Nhân tiện, trường theo mô hình Semi-Sparta nên hàng ngày, sau giờ học, học viên được phép ra ngoài và phải về trước 23h các ngày từ thứ 2 đến thứ 5, và có thể đi đến 1h sáng các ngày còn lại. Tuy nhiên, nếu học viên chỉ về chậm 1 phút thôi thì ngày hôm sau sẽ bị nhận Warning Letter. Đối với các luật lệ đặt ra, trường thực hiện tương đối nghiêm khắc. Nếu học viên vi phạm, nhận Thư cảnh báo lần 1, 2, 3 thì sẽ bị phạt tự học bắt buộc vào buổi tối và cấm ra ngoài, nhưng đến lần thứ 4 thì học viên sẽ bị xử phạt thôi học. Vì vậy, các học viên cần phải lưu ý, tránh vi phạm bất cứ quy định nào của trường.
Trường CIP được thành lập năm 2007, vì thế nên cơ sở vật chất trường học không được mới mẻ, hay hiện đại như nhiều trường mới thành lập gần đây. CIP được thiết kế không gian vừa đủ nhưng ưu điểm lại là dù là mưa hay nắng thì học viên cũng không cần dùng đến ô dù khi đi từ ký túc xá ra các lớp học hay ra văn phòng. Tất cả đều được có mái hiên che dọc đường đi lại, giảm bớt những khó chịu về thời tiết cho học viên. Nhân tiện, ở Philippines, chỉ có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa. Vào mùa mưa, hầu như ngày nào cũng có cơn mưa rào kéo đến bất chợt, nên học viên cũng không bao giờ phải lo lắng rằng, “hôm nay quên mang ô mất rồi”^^.
Khuôn viên của trường được thiết kế văn phòng trường ở khu vực ngoài cùng, sau đó là đến các dãy lớp học, trường chia khu vực các lớp học dành riêng cho khoá ESL, dành riêng cho khoá TOEIC, IELTS, Business. Hiện tại trường có 78 phòng học lớp 1:1, 6 phòng học nhóm, 1 phòng Training và 1 phòng Study Hall dành cho học viên tự học. Riêng phòng Study Hall được mở cửa 24/24 và có Wifi kết nối để tiện cho học viên học tập. Ngoài ra, tự 19h trở đi, học viên có thể sử dụng các phòng học 1:1 để làm thành phòng tự học.
Ảnh: Phòng học 1:1
Ở một số phòng học 1:1 sẽ được trang bị thêm máy tính, để phục vụ cho các học viên khi học Listening hay cần sử dụng các tài liệu trên mạng. Buổi tối vào giờ tự học, các học viên cũng được phép vào phòng và sử dụng máy tính.
Mỗi lớp học nhóm của trường có tối đa 6 học viên và sẽ do giáo viên người bản địa đảm nhậm. Trong phòng học nhóm được trang bị thêm camera để thu lại giờ học nhóm đó và trường sẽ đăng tải lên Youtube để làm tư liệu học cho các học viên, đồng thời, để học viên hiểu rõ giờ học nhóm được tổ chức như thế nào.
Ảnh: Phòng học nhóm.
Vòng tròn đỏ bên dưới là camera được đặt trong phòng học nhóm.
Ngoài ra, trường cũng có khu vực phòng Y tế (Clinic room) và có y tá, để phòng trường hợp học viên bị ốm hay bị bệnh. Trường hợp học viên bị ốm thì sau khi gửi thông báo tới cho quản lý, trường sẽ cử Y tá của trường đến phòng ký túc xá của bạn đó để kiểm tra xem tình hình thế nào, một phần nữa để chắc chắn không bạn học viên nào làm biếng, nói dối bị ốm để ở nhà ngủ. Trường hợp học viên bị ốm nặng, thì trường sẽ đưa bạn tới bệnh viện, nhưng mọi chi phí sẽ do học viên tự thanh toán.
Về Ký túc xá
Các phòng ký túc xá của trường được chia thành phòng đơn, phòng đôi và phòng 3 người, có tổng cộng 52 phòng ký túc xá, chia riêng biệt khu vực nam và nữ, thường thì phòng dành cho nam sẽ nằm ở các tầng trên.
Diện tích của mỗi phòng rộng rãi, dù là phòng ba hay phòng đơn thì đều tạo cảm giác thoải mái cho học viên. Các phòng ở CIP đều là phòng khép kín với nhà vệ sinh và phòng tắm ở trong phòng. Trong phòng cũng có đầy đủ các đồ dùng cần thiết như giường ngủ với chăn gối, bàn học, tủ đựng quần áo, giá sách, tủ lạnh nhỏ và ti vi. Wifi được kết nối không chỉ ở trong khu vực phòng học mà ở dãy ký túc xá cũng được lắp đặt đầy đủ. Chất lượng Wifi ở đây được đánh giá tốt hơn nhiều so với các khu vực khác ở Philippines.
Ảnh: Phòng đôi
Thời điểm Phil English tới tham quan trường thì tất cả các phòng ký túc xá đều đã có học viên nên ảnh trên là phòng của một bạn quản lý viên ở cùng với học viên tại phòng đôi.
Ở CIP quy định không được nấu ăn trong phòng vì vậy mà trong phòng sẽ không có khu vực nấu ăn. Ngoài ra nam và nữ cũng không được vào phòng của nhau. Nếu vi phạm học viên sẽ bị nhận Warning Letter (thư cảnh báo).
Trong khu vực khuông viên của ký túc xá có chỗ cho học viên ngồi nghỉ ngơi, nói chuyện với nhau hay tập thể dục gần hồ bơi. Tuy nhiên học viên chỉ được ở quanh khu vực hồ bơi hay khu vực ký túc xá đến 10h tối. Sau giờ đó, học viên sẽ phải di chuyển ra phía trước khu vực bàn ghế được xây dựng riêng gần khu vực văn phòng nếu vẫn muốn nói chuyện, tụ tập với nhau. Đến 22h sẽ có nhân viên của trường đi kiểm tra quanh khu vực trường, nếu vẫn có học viên tụ tập quanh khu vực ký túc xá thì sẽ bị nhận Thư cảnh báo. Hơn nữa, tứ 22h cứ cách 1 tiếng đồng hồ thì sẽ có nhân viên trường đi kiểm tra quanh khuôn viên của trường vì phòng Study Hall (phòng tự học) được mở cửa 24h nên sẽ có những bạn ngủ quên tại đó.
Ảnh: chỗ nghỉ ngơi cho học viên
Nhân tiện, các thông báo vi phạm hay báo cáo tình hình luôn được các quản lý trao đổi với nhau qua Line Group (phần mềm Chat nhóm), vì vậy dù tối muộn, các quản lý vẫn có thể thông báo với nhau, trao đổi, theo dõi được tình hình của học viên. Đồng thời cũng có một Group Chat giữa học viên và quản lý. Tại đó, quản lý sẽ thông báo tất cả các thông tin, hay khi học viên bị ốm muốn xin nghỉ thì cũng có thể nhắn tin tại Group Chat này. Hơn nữa, trước đây chỉ có quản lý người Nhật bạn Ryota hỗ trợ cho cả học viên người Nhật, người Việt, người Thái nên có nhiều trường hợp học viên Việt Nam chưa tốt tiếng Anh, mà không thể nói chuyện bằng lời dễ dàng được thì việc trao đổi qua tin nhắn, cũng có nhiều điểm lợi hơn. Nhưng khuyến cáo học viên không nên nhắn tin vào nửa đêm cho quản lý nhé^^, họ cũng cần phải nghỉ ngơi đó mà (cười.)
Để đảm bảo không gian sống sạch sẽ, trường CIP sẽ cung cấp dịch vụ giặt giũ và dọn phòng 2 lần một tuần. Trước đây trường chỉ có 1 lần/ tuần nhưng hiểu được nhu cầu và mong muốn của học viên nên trường đã thay đổi sắp xếp thành 2 lần/ tuần. Tuỳ từng số phòng khác nhau chẵn, lẻ mà luân phiên phòng được dọn dẹp. Về giặt giũ, học viên có thể gửi tới phòng giặt giũ của trường vào ngày quy định. Hoặc trường cũng đặt 2 máy giặt để học viên có thể tự giặt tự do trong khung giờ từ 7h sáng đến 22h tối.
Về Nhà ăn
Trước đây, Phil English có nghe một số bạn có phàn nàn về đồ ăn ở CIP, nên trong chuyến tham quan này, PE đã tranh thủ để có thể thử bữa trưa tại trường.
Nhưng trái với suy nghĩ phải rất dở, rất khó ăn, tôi hoàn toàn ngạc nhiên về bữa ăn ở đây, chưa kể thái độ phục vụ của các nhân viên ở đây cũng rất tốt.
Bữa ăn ở CIP sẽ được phục vụ theo thực đơn chính là Hàn, Nhật, Philippines trong đó sẽ gồm 2 món mặn, 1 món rau, canh, và luôn có kim chi, dưa chuột muối, sa lát, và hoa quả. Bản thân tôi cảm thấy đây là bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Có thể vì các bạn học viên mới chưa quen với đồ ăn Hàn, hay Nhật nên có thể cảm thấy chưa quen. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ cần bản thân mình không có ác cảm từ đầu với món ăn thì có thể dần dần thích nghi được với món ăn.
Tại nhà ăn, sẽ có nhân viên đứng phục vụ cho đồ ăn vào khay cho học viên, mục đích vì trường có số lượng học viên đông, nên sẽ thiệt thòi cho các bạn học viên đến sau. Nếu học viên muốn ăn thêm, có thể xin thêm nhân viên phục vụ, nhưng xin hãy tôn trọng công việc của họ và yêu cầu một cách lịch sự nhé.
Được biết thêm rằng, bữa sáng tại CIP cũng được chuẩn bị rất công phu, có bánh mì, có thịt băm, cơm chiên.... Vì thế mà có học viên sau 3 tháng đã lên được 3 ~ 5 kg đấy.
Ngoài ra trong khuôn viên trường cũng có cửa hàng tạp hoá nhỏ bán mì gói, bánh mì, bánh kẹo, các loại nước ngọt, học viên có thể tới đó mua.
Gần đó, cũng có 2 cửa hàng Sarisari bán đồ ăn Philippines, các học viên có thể ăn tại đó để thay đổi khẩu vị của mình. Hoặc là đi tới Nepo, có rất nhiều nhà hàng, quán ăn với thực đơn đến từ nhiều quốc gia như Nhật, Hàn, Mexico...
Về giáo viên giảng dạy tại CIP
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến các giáo viên của CIP. Một điểm khác biệt giữa CIP và các trường Anh ngữ khác ở Philippines là mức độ đào tào, tập huấn giáo viên.
Hàng ngày, giờ học học viên sẽ bắt đầu vào lúc 8:50 nhưng các giáo viên phải có mặt trước 8:00 và tham gia Training hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Nội dung tập huấn sẽ gồm như cách giảng dạy, lớp học Demo (lớp học giảng thử), sửa chữa Pronunciation, vì bản thân các giáo viên Filipino cũng học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 vì vậy sẽ không tránh khỏi những lỗi sai trong phát âm. Đồng thời hàng tháng, các giáo viên phải tham gia bài kiểm tra nội dung TOEIC, IELTS. Nếu giáo viên nào không vượt qua được số điểm yêu cầu thì có thể bị buộc thôi giảng dạy tại trường.
Trước đó, để được tuyển dụng vào trường, các giáo viên cũng phải trải qua quá trình kiểm tra, đánh giá khắt khe. Đầu tiên, họ phải làm bài kiểm tra đầu vào, sau khi có kết quả đỗ sẽ bước vào vòng phỏng vấn, đánh giá. Trong quá trình giảng dạy, sẽ luôn có những người gọi là “Observer” – người quan sát, chấm điểm chất lượng, thái độ giảng dạy của học viên như thế nào.
Ảnh: Observer kiểm tra giáo viên
Cho đến bây giờ, để đảm bảo chất lượng giảng dạy và không làm ảnh hưởng tới mức độ hài lòng của học viên, nhà trường đã nhờ bên luật sư để soạn thảo Hợp đồng lao động, cam kết trách nhiệm giảng dạy của giáo viên, và giảng dạy trong thời gian quy định, tránh trường hợp bỏ ngang giữa chừng. Dĩ nhiên, hợp đồng cũng quy định những điều kiện có lợi kèm theo dành cho giáo viên.
Ngoài các giáo viên Filipino thì trường chú trọng nhiều vào giáo viên bản ngữ. Họ là những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Mỹ, Úc, Canada. Họ là những người đã từng làm nhiều nghề khác nhau với nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều người như Y tá, kỹ sư công nghệ thông tin, hay nhà thiết kế hay nhà tâm lý học, ..., để trở thành giáo viên Anh ngữ, họ cũng tham gia và thi lấy chứng chỉ TESOL và cũng là những người được CIP tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo được chất lượng giảng dạy.
Về các khoá học tại trường
Với lợi thế cả về số lượng giáo viên bản ngữ, và chất lượng được đào tạo của giáo viên Filipino, CIP khai thác nhiều khoá học đa dạng khác nhau dành cho nhiều độ tuổi khác nhau, phù hợp với nhiều mục đích học khác nhau của nhiều người học.
CIP khai thác 3 chương trình học chính dành cho các khoá học ESL nhằm mục đích cải thiện kỹ năng giao tiếp và bổ sung các kiến thức cơ bản của tiếng Anh. Khoá học Text Course – là khoá học dành cho các đối tượng chuẩn bị tham gia kỳ thi IELTS, TOEIC. Và cuối cùng là khoá học Young Learner dành cho các trẻ từ 7 tuổi đến 14 tuổi và phải có bố mẹ đi kèm.
Khoá học ESL sẽ được chia thành các khoá nhỏ như Intensive Premium, Intensive A, Intensive B, Intensive C, Intensive D. Trong đó, các khoá học nhỏ này khác nhau ở số giờ học của giáo viên bản ngữ. Khoá học Intesive Premium sẽ do giáo viên bản ngữ đảm nhận hoàn toàn, còn các khoá học Intensive A, B, C, D sẽ khác nhau cả về số giờ học của giáo viên bản ngữ và số giờ học của giáo viên Filipino.
Theo như khảo sát các khách hàng đã từng đến học tại CIP của PE thì các học viên Việt Nam chủ yếu lựa chọn khoá học Intensive C với 1 giờ học lớp 1:1 giáo viên bản ngữ, 3 giờ học lớp 1:1 giáo viên Filipino và 2 giờ học nhóm với giáo viên bản ngữ. Các học viên Việt Nam khi đi du học với trình độ đầu vào mới chỉ ở mức sơ cấp thì không nên chọn quá nhiều giờ học giáo viên bản ngữ, bởi rằng trình độ của các bạn chưa thể nghe hiểu hết được những giờ học của giáo viên bản ngữ. Nếu học quá nhiều giờ học giáo viên bản ngữ mà học viên không thể hiểu, không thể nghe được thì sẽ đem đến cảm giác bất lực, mệt mỏi, áp lực cho chính người học. Vì vậy, Phil English có lời khuyên có các học viên là hãy có sự lựa chọn thông minh, biết trình độ của mình đang ở đâu.
Tuy nhiên, ở CIP có một khoá học Start Learner trong chương trình học ESL dành cho những người thực sự chưa biết gì. Khóa học này sẽ gồm 5 giờ học lớp 1:1 với giáo viên Filipino và 2 tiết học nhóm với giáo viên bản ngữ. Khoá học này thực sự phù hợp cho các bạn hoàn toàn chưa có một kiến thức căn bản nào, hay khả năng nói tiếng Anh nào. Thì việc làm quen tiếng Anh với giáo viên Filipino trước sẽ có lợi thế hơn, bởi tiếng Anh của giáo viên Filipino “đẹp” hơn, họ sử dụng từ tiếng Anh dễ hiểu và ngữ pháp, cấu trúc câu chính xác, đầy đủ hơn so với giáo viên bản ngữ. Và họ có thể kiểm soát tốc độ nói của mình phù hợp với từng học viên. Với 2 giờ học nhóm, học viên có thể để cho đôi tai của mình làm quen với âm thanh tiếng Anh của người bản ngữ. Vì suy cho cùng, mục đích học tiếng Anh cũng là để có thể giao tiếp, nói mà người bản ngữ hiểu mình đang nói gì, nên ban đầu cho dù học viên không nghe hiểu được gì nhưng quan trọng hơn là việc để đôi tai mình quen với âm thanh. Người mới bắt đầu học khi chưa hình thành “thói quen” sẽ dễ dàng ghi nhớ được những cái học đầu tiên nhất. Học từ các giáo viên bản ngữ cách nhấn nhá, ngữ điệu khi nói chuyện. Qua được thời gian đầu, chắc chắn học viên sẽ dần quen và hiểu được giáo viên nói gì. Học ngoại ngữ, thiết yếu là ý chí, đừng dễ dàng từ bỏ.
Khoá học Test Course ở CIP sẽ gồm khoá học dành cho kỳ thi TOEIC, và khoá học dành cho kỳ thi IELTS, trong đó cả 2 khoá đều có thêm khoá học đảm bảo điểm số đầu ra. Cả 2 khoá học đều có 4 giờ học lớp 1:1 do giáo viên Filipino giảng dạy và 2 tiết học nhóm do giáo viên bản ngữ đảm nhận.
Trong khoá học TOEIC, lớp 1:1 do giáo viên Filipino giảng dạy sẽ học về Listening, Reading, Grammar, Vocabulary hay các môn học học viên yêu cầu, còn trong lớp nhóm sẽ học về ESL Speaking và Vocabulary.
Đối với khoá học TOEIC đảm bảo điểm số đầu ra thì có một số yêu cầu đối với học viên đó là: thời gian học bắt buộc phải đăng ký 12 tuần; với TOEIC đảm bảo đầu ra 700 điểm thì yêu cầu trình độ đầu vào phải đạt 500 điểm trở lên, với TOEIC đảm bảo đầu ra 900 điểm thì yêu cầu trình độ đầu vào phải đạt 700 điểm trở lên. Đồng thời trong quá trình học yêu cầu học viên phải tham gia lớp học trên 95%, làm bài tập về nhà được giao đầy đủ, tối thứ 4 hàng tuần phải tham gia làm bài thi thử TOEIC, để học viên phải làm quen với dạng bài thi, quen với tâm lý trong phòng thi và áp lực thời gian làm bài thi. Nhân tiện, các học viên khoá ESL hay IELTS nếu muốn tham gia vào bài thi thử thì hoàn toàn có thể, chỉ cần đăng ký trước tại văn phòng trường và đến hôm thi đóng 100 Peso.
Đến tuần thứ 10, 11, học viên sẽ thi thật TOEIC. Nếu kết quả thi không đạt được kết quả như đã cam kết thì trường sẽ miễn học phí thêm 4 tuần học nữa cho học viên (nhưng chi phí ký túc xá, gia hạn visa... sẽ do học viên thanh toán).
Khoá học IELTS, là khoá học đang được nhiều học viên Việt Nam đăng ký học và yêu cầu học tập của các học viên khoá này có cường độ cao hơn so với các học viên khoá khác. Mỗi kỳ học chỉ tối đa 15 học viên được đăng ký nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy và kết quả cho học viên. Khoá học IELTS sẽ gồm 4 giờ học 1:1 của giáo viên Filipino và 2 giờ học nhóm của giáo viên bản ngữ. Trong đó, giờ học của giáo viên Filipino sẽ học về 3 kỹ năng chính là Reading, Listening và Writing; còn giờ học của giáo viên bản ngữ sẽ học về kỹ năng Speaking, như đúng nội dung của các bài thi thật.
Cũng giống như khoá TOEIC đảm bảo điểm số đầu ra, ở khoá IELTS đảm bảo điểm số đầu ra, nội dung học sẽ giống như IELTS thông thường, nhưng có một số điều kiện để tham gia và để mang lại hiệu quả cao thì học viên phải tuân thủ như tỷ lệ tham gia lớp học phải trên 95%, hay phải làm bài tập về nhà đầy đủ, hay phải tham gia bắt buộc các bài Mock Test hàng tuần vào tối thứ 5.
Khoá học Young Learner
Khoá học này dành cho các học viên nhí từ độ tuổi 7 tuổi đến 14 tuổi, yêu cầu phải có bố mẹ hoặc người giám hộ đi cùng. Các bé sẽ khoá học Young Learner, còn bố mẹ đi cùng có thể đăng ký khoá học English for Guadian. Trong khoá học này cũng sẽ chia ra các lớp A, B, C. Các lớp học này khác nhau về số giờ học một ngày và số giờ học 1:1 với giáo viên bản ngữ. Vì vậy, tuỳ vào nhu cầu của mình mà các bố mẹ có thể định hướng cho bé. Các môn học sẽ tuỳ vào từng thời điểm mà thay đổi, đồng thời, bố mẹ cũng có thể trao đổi với nhà trường để lựa chọn các môn học cho trẻ.
Về các hoạt động ngoài giờ học
Tại CIP, có một bể bơi ở khu vực ký túc xá, học viên có thể sử dụng theo giờ quy định.
Có phòng tập Gym rộng rãi bao gồm chỗ tập thể hình, chỗ chơi bóng bàn, sân chơi bóng rổ, bóng chuyền. Tận dụng không gian thoải mái của phòng tập, hàng tối sẽ có những nhóm nhảy tại trường luyện tập tại đây. Hơn nữa, vào tối thứ 6 hàng tuần, tại đây cũng tổ chức lễ tốt nghiệp cho các học viên.
Ngoài ra, vào buổi tối, CIP cũng mở thêm các lớp nhóm tự chọn được các giáo viên bản ngữ giảng dạy, các học viên có thể đăng ký tham gia tự do. Vào thứ 7, chủ nhật cũng có thêm 2 tiết học do giáo viên bản ngữ đảm nhận, học viên có thể tự do đăng ký tham gia.
Vào cuối tuần, trường cũng tổ chức các hoạt động tình nguyện cho học viên như tới thăm làng trẻ mồ côi của các bé, hay những người neo đơn ở Philippines. Bản thân tôi cũng từng được có cơ hội tới thăm làng trẻ mồ côi của các bé gái. Các giáo viên của trường sẽ đi cùng với học viên và tổ chức giao lưu, chơi trò chơi giữa các bé và học viên. Mặc dù có sự bất đồng ngôn ngữ với các bé, nhưng các bé rất gần gũi, thân thiện với học viên. Đây là những hoạt động ý nghĩa mà các bạn học viên nên tham gia.
Không chỉ vậy, trường cũng tổ chức những buổi đi chơi xa cả ngày cho học viên. Tạo thêm nhiều cơ hội cho các bạn học viên làm quen với nhau, đồng thời tạo thêm nhiều kỷ niệm cho các bạn học viên khi học tập tại CIP.
Nguồn: Facebook CIP
Một số kinh nghiệm của quản lý học viên người Nhật
Trong chuyến tham quan trường lần này, Phil English có cơ hội được trò chuyện cùng với bạn quản lý học viên người Nhật, Việt Nam, Thái, đó là bạn Ryota.
Ryota có kinh nghiệm học tập và làm việc tại nước ngoài nhiều năm mặc dù bạn còn rất trẻ. Trước đây bạn ấy cũng đã từng là học viên khoá học ESL và khoá IELTS ở CIP, sau đó có 1 năm sang Úc làm cho một công ty ở Úc, nhưng cái duyên với Philippines vẫn còn sâu nặng nên bạn đã quay lại Philippines và làm quản lý học viên cho một trường Anh ngữ khác ở Cebu và giờ là quản lý học viên ở CIP, thời gian làm việc là 6 tháng.
Hãy cùng xem Ryota chia sẻ điều gì nhé.
Ảnh: Nhân viên Phil English và quản lý Ryota (áo đỏ)
1. Với cương vị là quản lý học viên, bạn làm thế nào để có thể hỗ trợ cho học viên khi họ gặp khó khăn trong thời gian đi du học?
Đầu tiên, ở CIP, sau khi nhập học các học viên sẽ tham gia vào Line Group (nhóm chat) giữa quản lý và học viên và cũng có nhóm chat riêng giữa các quản lý với nhau.
Có những trường hợp mà học viên chưa thể giao tiếp tốt trong tiếng Anh, mà phát âm của học viên Việt Nam thì có chút không đúng nên khi nói chuyện trực tiếp thì đôi khi hai bên không thể hiểu được đối phương muốn nói gì, nên khi sử dụng tin nhắn thì cả học viên và quản lý đều có thể hiểu dễ dàng hơn. Hay khi có vấn đề gì thì chỉ cần nhắn tin là có thể giải quyết được ngay, chứ không mất công phải tìm người này, gọi người kia nữa.
Ngoài ra, qua Group Chat đó, quản lý cũng sẽ gửi các thông báo cần thiết như lịch giáo viên nghỉ, hay các chương trình hoạt động...
2. Đối với các bạn trình độ Sơ cấp, để cải thiện được trình độ tiếng Anh, bạn nghĩ cần có lộ trình học như thế nào?
Theo mình nghĩ thì một học viên trình độ Sơ cấp, nghĩa là đã biết một chút về ngữ pháp, về từ vựng rồi thì cũng cần ít nhất 3 tháng mới có sự thay đổi về trình độ tiếng Anh.
Tôi nghĩ là tháng đầu tiên, chắc kỹ năng Speaking chưa thể cải thiện ngay được. Vậy tháng đầu tiên sẽ làm gì. Ví dụ như ở Philippines, thường là sẽ học Grammar trước. Nhưng như người Việt mình, hay người Nhật khi học ngữ pháp thì thường học theo từng từ, ý nghĩa của từng từ. Ví dụ như “can” “có thể”, nếu chỉ nhớ như thế không thì khi nói, chắc sẽ khó nhớ mà vận dụng lắm. Thay vào đó, hãy nhớ theo cả tình huống sử dụng cấu trúc đó thì tốt hơn. Vì thật ra, trong tiếng Anh cũng có rất nhiều cách sử dụng tiếng Anh khác nhau. Nên tháng đầu tiên, tốt nhất là nên học nhiều ngữ pháp trước.
Không chỉ có Grammar, còn phải học cả Reading. Đối với phần Reading, có lẽ tốt nhất là nên lựa chọn giáo trình học thấp hơn so với trình độ thực tế của bản thân. Nếu lựa chọn trình độ khó quá thì có nhiều trước hợp cảm thấy “đau đầu” khi học phần Reading. Nên nếu lựa chọn level thấp hơn một tý, không cần dùng đến từ điển nhiều mà vẫn có thể đọc được, như thế sẽ tốt hơn, tạo cảm giác ban đầu bản thân cũng có thể đọc được phần Reading. Tại sao lại nói Reading cũng rất quan trọng, vì qua bài đọc thì cũng kiểm tra được luôn mức độ, trình độ ngữ pháp của bản thân như thế nào vì trong bài viết sẽ sử dụng nhiều cấu trúc ngữ pháp ở trong đó. Đồng thời cũng học thêm được các từ vựng mới, dĩ nhiên kỹ năng Đọc cũng sẽ được cải thiện nhiều. Ở các giờ học Reading như thế, học viên sẽ phải đọc to lên bài đọc, nên cả phần phát âm cũng sẽ được giáo viên chỉnh sửa, cả cách đọc đúng các từ nữa. Kéo theo, khả năng Speaking cũng sẽ được bổ sung, cải thiện hơn. Vì thế mà theo tôi nghĩ, giờ học Reading thực sự rất cần thiết và hữu dụng vì cùng lúc nhiều kỹ năng được cải thiện, nâng cao.
Tâm lý của nhiều học viên khi mới vào học là càng nhiều giờ Speaking càng nhiều càng tốt. Nhưng thực tế là dù chọn nhiều giờ học Speaking nhưng cũng không thể cải thiện được nhiều. Đặc biệt là ở các trường Semi-sparta thì các học viên được tự do chọn lựa môn học, nhưng có nhiều học viên lại chọn quá nhiều giờ học Speaking, mà quên mất rằng cần phải học tốt cả ngữ pháp và từ vựng thì mới có thể cải thiện được kỹ năng Speaking.
Sau đó, sau khi đã quen với việc học tiếng Anh, hiểu rõ cách dùng của các cấu trúc, từ vựng trong tiếng Anh thì sang tháng thứ 2, học viên có thể học thêm nhiều tiết Speaking với giáo viên bản ngữ, chú trọng nhiều hơn về phần Pronunciation. Vì phải học với giáo viên bản ngữ, rất khó nên có những lúc học viên sẽ cảm thấy vẫn chưa thể hiểu hết được, cảm thấy nản, nhưng nếu cố gắng thì chắc chắn một thời gian ngắn thôi, sẽ thấy rõ được hiệu quả thay đổi của bản thân.
Sang tháng thứ 3 chắc chắn học viên sẽ nhận ra rằng bản thân đã có thể nói được tiếng Anh hơn rất nhiều, vì lúc đó các kiến thức cơ bản của tiếng Anh đều đã được học và dần dần có thể vận dụng được.
Nên là thật sự mà nói thì các bạn học viên lựa chọn khoá học trong 4 tuần, 6 tuần là vẫn hơi ít thời gian.
3. Đã có thời gian làm việc tại Úc và giờ làm việc tại Philippines, bạn thấy có sự khác nhau gì giữa 2 nơi không và ở Philippines có ưu điểm gì?
Đối với giáo viên thì các giáo viên Philippines thực sự sử dụng ngữ pháp rất “đẹp” khi họ nói chuyện, học viên cũng rất dễ hiểu. Nhưng với các giáo viên bản ngữ thì họ thường không chú trọng nhiều đến ngữ pháp.
Thực tế nếu muốn đi ra nước ngoài học hay làm việc với người nước ngoài, dĩ nhiên việc sử dụng ngữ pháp hay, đúng rất tốt, nhưng nếu không quen với cách nói của người bản ngữ thì rất khó. Ví dụ có những học viên học tại Philippines, trình độ tiếng Anh rất tốt nhưng khi sang nước bản địa thì lại trường hợp không nghe được. Bản thân tôi trước đây học ở CIP cũng từng học lớp 1:1 với giáo viên bản ngữ, tôi cũng học chăm chỉ, tự tin và có kết quả trong Top đầu của khoá nhưng khi sang Úc làm việc thì tôi cũng có thời gian bị Shock vì hoàn toàn cảm thấy khác với những gì mình được học.
Vì thế mà tôi nghĩ rằng việc học với giáo viên Philippines rất tốt rồi nhưng cũng cần phải hiểu rõ được cách dùng và cách nói của cả người bản ngữ nữa. Có nghĩa là ngoài năng lực tiếng Anh rồi còn phải có cả năng lực “Comminucation” (khả năng giao tiếp). Ví dụ như có những học viên từng học ở Baguio, sau đó học tại CIP. Học tại Baguio thường là chú trọng nhiều vào phần Academic (học thuật), nên khi đến đây trình độ học thuật của các bạn rất tốt, nhưng kỹ năng Speaking lại có cảm giác “không được tự nhiên”, vì ở Baguio khi được học, các bạn cứ phải học nói dài nói dài nên cảm giác các bạn đang cố nói nhiều quá và cảm giác khi nói các bạn như robot, không có cảm xúc gì ở trong đó.
Trong tiếng Anh, nếu không có kỹ năng giao tiếp thì nói là nói được tiếng Anh nhưng lại không thể nói tốt, nói giỏi được.
Ưu điểm ở đây là học viên đa quốc tịch cùng với nhiều giáo viên bản ngữ nên đó là lợi thế cho các bạn học viên có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình.
4. Bạn có lời khuyên gì đối với các học viên Việt Nam không?
Đối với các bạn học viên Việt Nam thì vấn đề lo ngại nhất phát âm. Các bạn học viên khác khi nói chuyện với các bạn học viên Việt Nam cũng rất khó để nghe và giao tiếp. Mà chính các bạn học viên Việt Nam khi cảm thấy bản thân sử dụng phát âm sai, đối phương không thể hiểu mình nói gì nên cũng sẽ cảm thấy tự ti và dần ngại nói chuyện.
Vì vậy lời khuyên của tôi là khi đi du học tại Philippines, hãy cố gắng “chuẩn bị” trước phần phát âm, qua các sách hay video trên mạng. Các kiến thức như ngữ pháp... đều là những thứ có thể học được tại đây.
Ví dụ như “next week” cần phải có âm “s” nhưng học viên Việt Nam lại đọc là “net week”.
Phát âm thực sự quan trọng, hãy luôn cố gắng điều chỉnh phát âm của mình khi nói chuyện.
Chi tiết về trường Anh ngữ CIP: http://philenglish.vn/khu-vuc-va-truong/angeles-clark/cip/
Theo nguồn: Báo cáo tham quan trường từ Phil English