Mọi người đã nghe câu “dễ như ăn cháo”, vậy có bạn nào từng nghe “dễ như nghe tiếng Anh” chưa? Ad thì nghe rồi đó, và ad cũng đã thấy những người quanh ad làm được điều đó.
Ad đã từng rất sợ giao tiếp tiếng Anh chỉ vì không “nghe” được người đối diện nói gì. Cố căng tai căng mắt để nghe nhưng dường như họ chẳng thấy tình trạng thảm hại của ad nên nói cứ như phóng đại bác. Ngắn ngắn thì nghe được cả câu, còn dài quá là bì bõm được vài từ mà thiên hạ gọi là “key word”. Sau đó là đoán già đoán non khí thế, đầu gật lia tịa ra chiều “luôn luôn lắng nghe” nhưng thực thì “lâu lâu mới hiểu”. Rồi cũng cặp sách đi học ở trung tâm, lê la câu lạc bộ này đến diễn đàn nọ để ghi chép bí kíp luyện nghe hiệu quả.
Về cũng làm y chang, không dám khác 1 li, đêm thì chong đèn học, ngày thì bàn ghế chỉnh chu, rời xa em “dế” để tập trung cao độ. Kết quả là con mắt nó cứ chống đối cái tai, tai nghe mà mắt cứ nhắm, đầu thì gật nhưng cứ kệ, cứ nghe đi vì không bổ ngang cũng bổ dọc, cứ nghe đi vì sự nghiệp anh văn cao cả. Nhưng tình trạng vẫn như cũ, gặp người nước ngoài cứ như vịt nghe sấm, không khá lên chút nào. Lại buồn thúi gan thúi ruột cho cái sự nghiệp anh văn của mình. Rồi tự an ủi “chắc mình không có khiếu”
Bẵng đi một thời gian, cơ duyên xui khiến gặp được anh “thầy”, người đã khai mang đầu óc ngu muội của ad. Sau khi nghe ad chia sẻ sự tình, anh liền phán một câu xanh rờn: Nghe mà không hiểu chỉ là vứt đi, muốn nghe hiểu phải có phương pháp và đầu tư đúng đắn. Nghe thấy cũng chí lý, ad ngồi hỏi thêm chút nữa thì được anh liệt kê cho vài bí quyết gối đầu nằm.
- Trước tiên là từ vựng. Mình không biết nó, nó không quen mình thì làm thế nào mà hiểu nhau được, muốn diễn đạt cũng không biết từ đó tiếng anh là gì, thế rồi lại râu ông này cắm cằm bà kia.
- Tiếp đến là đọc đúng từ, thiên hạ gọi là phát âm. Phát âm sai nên nghe từ nào cũng lạ, phát âm đúng mới thấy nó quen quen, người đối diện mới hiểu, mới “ah” lên được. Mình nói là beautiful beach mà người đối diện nghe là beautiful b*tch thì coi như hỏng.
- Có hai vũ khí trên rồi phải được ráp vào khung ngữ pháp – Vì nói mà không ngữ pháp thì khác nào tiếng “bồi” của mí chú xích lô ở chợ Bến Thành đâu phải tiếng Anh của dân đi học.
Rút ra từ 108 cuốn bí kíp thu nhặt được từ khắp mọi nguồn: bàn tròn, bàn vuông, hội bàn đào, vâng vâng và vâng vâng. Ad thấy rằng để nghe tốt thì phải “nghe nhiều mới thủng”, tạo môi trường cho bản thân mình thẩm thấu. Bên cạnh đó “tắm ngôn ngữ” như thế nào và thời lượng phân bổ ra sao thì phải cân nhắc và lên cho mình một kế hoạch cụ thể, nhớ ký tên xác nhận lại để có trách nghiệm với kế hoạch của mình. Ad xin chia làm 2 phương pháp để luyện nghe: Nghe để học và nghe để giải trí, các bạn tham khảo nhé.
1. Nghe để học là gì?
Luyện nghe lúc này cần sự nghiêm túc, theo kế hoạch và có phương pháp hẳn hoi. Tốt nhất là ngày nào cũng luyện, nếu bận quá thì 3 lần/ tuần cũng tạm chấp nhận.
Đối với các bạn trình độ sơ cấp: nên tập nghe và học phát âm từ những từ hay mẫu câu đơn giản trước. Quan trọng của phần này là nghe và lập lại, phát âm đúng để sau này đụng lại mình nghe còn ra. Nghe nhanh chưa được thì bắt đầu từ nghe chậm: Đầu tiên là nghe từng từ vựng mới, sau đó tăng lên nghe từng câu, rồi khá hơn nữa là nghe từng đoạn hội thoại ngắn. Các mẫu hội thoại hoặc các bài luyện nghe, video các đoạn hội thoại giao tiếp căn bản cho người mới bắt đầu hiện có rất nhiều trên youtube.
Đặc biệt với mẫu câu và hội thoại, học chuẩn nhất là nên vừa nghe vừa ghi lại ra giấy như đọc chính tả vậy. Từ nào không biết cho qua, sau đó nghe 2-3 lần không được thì mở script ra vừa xem vừa tra nghĩa từ rồi ghi chú lại. Sau đó, đóng sách vừa nghe lần nữa vừa đọc to theo máy cho đúng. Nghe cho đến khi nào bạn có thể nghe và hiểu được hết tất cả các từ trong bài. Quan trọng là học nghe kết hợp học viết, học phát âm luôn; để sau này cứ ở đâu đụng nó là nghe, nói, đọc, viết gì mình cũng tuôn ra được.
Đối với các bạn trình độ cao cấp hơn, có thể nghe hiểu 60%- 70% thì nên chọn học nghe theo các tin tức report. Có thể bắt đầu bằng những kênh tin tức nói chậm như VOA và lựa chọn những chủ đề mình quan tâm để tạo động lực, sau đó từ từ lấn sân sang các lĩnh vực khác. Phương pháp nghe viết ra và đọc lại cũng y chang như trên, chỉ có điều mình cấp độ nào thì nghe từ vựng và tốc độ nghe theo cấp độ ấy. Tăng dần từ từ, không nên dục tốc để tránh chỉ duy trì được 5, 7 ngày; còn lại rồi đâu lại vào y đấy. Ngoài VOA là có tốc độ nói chậm và tương đối rõ, các bạn có thể tham khảo thêm một số trang như: Podcasts, BBC, CNN, TED…
2. Nghe để giải trí thì khác như thế nào?
Phần này thì sôi nổi và hào hứng hơn. Não mình cũng phải có lúc tập trung cao độ, lúc thư giãn xả stress. Vì vậy, nhín chút thời gian 2-3 lần/ tuần cho bạn thân làm quen với ngôn ngữ “Tiếng Anh” qua bài hát, các bộ phim hoạt hình đơn giản (có phụ đề tiếng Anh) hoặc các chương trình giải trí mà bạn yêu thích như: The Voice, American Idol hay Master chef… đều là những cách vừa thư giãn vừa luyện nghe khá hiệu quả. Nên tập nghe từ những bài nhạc hoặc phim có tiết tấu chậm, lời bài hát hoặc nội dung thoại đơn giản trước. Sau khi nghe quen mới tăng dần. Luyện nghe bằng cách này không chỉ giúp bạn tăng vốn từ vựng mà còn có thể luyện giọng “accent” hoặc nối từ “blending” theo chuẩn của người bản xứ. Đặc biệt các bộ phim luôn có rất nhiểu idioms để các bạn có thể làm quen và ứng dụng khi giao tiếp hàng ngày.
Tóm lại, làm việc gì nói cho ngay cũng cần tạo động lực cho mình, mình thích nó thì mới hết mình với nó được. Tùy theo năng lực sở thích mỗi cá nhân mà lựa chọn cho mình phương pháp thẩm thấu phù hợp. Quan trọng nhất là cần sức bền, nên phân bố việc học và giải trí theo sức của bạn thân, đừng để vừa chạy đà xong thì đã muốn về đích ngay các bạn nhé!
Chúc các bạn thành công! Vì một tương lai nghe nói tiếng Anh như gió!
Theo nguồn : Phil English
Link : Dễ như nghe tiếng Anh?