Năng lực tiếng Anh của người trong độ tuổi đi làm ở Việt Nam?

Mới đây nhất cục khảo thí giáo dục hoa kỳ ETS đã đưa ra những thông số đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của 48 quốc gia thể hiện qua kết quả thi TOEIC trong đó có Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác. Việt Nam chúng ta có vị trí khá khiêm tốn khi chỉ đạt 469/900, xếp trên 6 nước là Mông Cổ, Macao, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Chile, Albana và Indonesia. Trong khi đó, người bạn quốc đảo láng giềng Philippines có điểm số vượt trội là 711/900 (Xếp thứ 14).


Năng lực tiếng Anh.jpg

Bảng xếp hạng năng lực sử dụng tiếng Anh thông qua kết quả bài thi TOEIC


TOEIC là viết tắt của Test of English for International Communication - là chứng chỉ đánh giá khả năng giao tiếp và làm việc trong môi trường Anh ngữ quốc tế. Đây là chứng chỉ  tiếng Anh thiết yếu đánh giá năng lực của người đi làm và cũng là yêu cầu tiên quyết trong các công ty nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.


Dĩ nhiên nếu chỉ dựa vào một bài khảo sát năng lực TOEIC thì có phần phiến diện, nói như độc giả nào đó đã bình luận trên một trang báo mạng mà tôi từng đọc qua là “Bạn không thể khảo sát trên số người chỉ ăn bánh mì rồi kết luận bữa ăn của người Việt Nam mất trung bình 5 phút”. Tuy nhiên, nó cũng phần nào cho thấy Việt Nam chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc học tiếng Anh.


Hội nhập và mở cửa là những từ chúng ta vẫn nghe báo chí, truyền thông nhắc đến trong năm bảy năm trở lại đây. Chúng ta chào đón các doanh nghiệp nước ngoài, giảm thuế suất, đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi…nhưng năng lực cạnh tranh của chúng ta xem ra vẫn còn rất thấp. Đơn cử là khả năng tiếng Anh của lao động Việt Nam còn rất hạn chế. Nắm bắt được vấn đề đó, hàng loạt các trung tâm Anh ngữ đua nhau mở các khoá học tiếng Anh cho người đi làm. Thế nhưng vấn đề đối với người đi làm là không có thời gian học và thường xuyên bị chi phối bởi nhiều vấn đề cuộc sống, vậy nên, dù nỗ lực, họ vẫn không cải thiện được là bao. Đã không ít trường hợp đánh mất những cơ hội vàng trong sự nghiệp chỉ vì tiếng Anh không khá.


Nhìn một chút sang đất nước nghìn đảo Philippines. Tôi đã từng hết sức ngạc nhiên vì rằng hầu như bất kỳ ai cũng có thể nói tiếng Anh. Có thể họ xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau, làm việc trong các lĩnh vực khác nhau và độ tuổi khác nhau nhưng họ đều có thể phản xạ tiếng Anh cực kỳ tốt. Đặc biệt đối với ngành Y, sinh viên Philippines hầu như đều có cơ hội sang Mỹ thực tập và làm việc. Người dân Philippines không khó có một công việc trong công ty nước ngoài, họ cũng không có khái niệm phải học tiếng Anh cho người đi làm bởi vì trên thực tế họ đã có nền tảng khá tốt từ tiểu học. Dĩ nhiên, nói đi cũng phải nói lại rằng họ được như thế  vì họ từng chịu đô hộ của Mỹ khá lâu, thừa hưởng nền giáo dục của Mỹ và đến tận sau khi độc lập, sức ảnh hưởng đó không hề suy giảm.


DSC00396.JPG

Học theo hình thức một kèm một và học nhóm tại trường Anh ngữ Monnol - Philippines


Quay trở lên với năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam đặc biệt là khả năng ngoại ngữ, có những người dù là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng khi giao tiếp bằng tiếng Anh vẫn chẳng thể nói nỗi một câu trôi chảy. Đây là điều bất cập khi mà để đạt được những học hàm, học vị ấy, yêu cầu tiên quyết là tiếng Anh phải đạt một chuẩn nhất định. Chính sự “ảo” trong văn bằng này đã dẫn đến thực tế rằng năng lực cạnh tranh của chúng ta còn quá thấp. Thử mường tượng một ngày nào đó, khi ASEAN cho phép công dân mỗi nước được tự do làm việc tại các nước trong khu vực thì làm sao chúng ta cạnh tranh với Philippines?


Bắt đầu chỉ là ngọn lửa nhỏ cách đây mười năm thì nay tiếng Anh đã như một ngọn núi lửa, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng tuy không phải là điều kiện đủ nhưng chăc chắn nó là điều kiện cần mà mỗi cá nhân phải trang bị để nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân.

Các tin Khác